8 BƯỚC CÂN BẰNG VÀ TỐI ƯU NĂNG LƯỢNG TRONG KHẨU PHẦN GÀ THỊT



Việc cân bằng và tối ưu hóa mức năng lượng trong khẩu phần ăn là rất quan trọng nhằm đảm bảo gà thịt tăng trưởng và phát triển hiệu quả. Năng lượng là một trong những chất dinh dưỡng thiết yếu nhất trong khẩu phần và đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các chức năng trao đổi chất, tăng trưởng và sản xuất. Trong bài này, chúng ta sẽ tìm hiểu cụ thể từng bước để giúp bạn cân bằng và tối ưu hóa mức năng lượng trong khẩu phần ăn của gà thịt.

Bước 1: Xác định nhu cầu năng lượng của gà thịt

Để cân bằng và tối ưu hóa mức năng lượng trong khẩu phần gà thịt, bước đầu tiên là bạn phải xác định được nhu cầu năng lượng mà chúng cần. Nhu cầu năng lượng bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như độ tuổi, trọng lượng, giới tính và điều kiện môi trường. Cần sử dụng các bảng hoặc mô hình nhu cầu năng lượng đáng tin cậy đặc thù cho gà thịt để xác định được nhu cầu năng lượng chính xác. Những bảng này sẽ cung cấp thông tin về nhu cầu năng lượng cho gà thịt ở các giai đoạn tăng trưởng khác nhau.

Bước 2: Lựa chọn nguồn năng lượng thích hợp

Khi đã xác định được nhu cầu năng lượng của gà thịt, bước tiếp theo là cần lựa chọn các nguồn năng lượng thích hợp. Các nguồn năng lượng phổ biến được sử dụng trong khẩu phần ăn của gà thịt bao gồm ngũ cốc (như ngô, lúa mì và lúa mạch), các loại hạt có dầu (như khô dầu đậu nành và khô dầu cải canola), chất béo và dầu (như dầu đậu nành và mỡ động vật). Mỗi nguồn năng lượng sẽ có hàm lượng năng lượng và thành phần dinh dưỡng khác nhau. Bạn nên cân nhắc về chi phí, tính khả dụng và thành phần dinh dưỡng của các nguồn năng lượng này khi xây dựng khẩu phần ăn.

Bước 3: Xác định hàm lượng năng lượng của các nguyên liệu thức ăn

Để cân bằng mức năng lượng trong khẩu phần ăn của gà thịt, thì chúng ta phải biết được hàm lượng năng lượng của các nguyên liệu thức ăn. Năng lượng trong dinh dưỡng gà thịt thường được biểu thị dưới dạng năng lượng trao đổi (ME) hoặc năng lượng thuần (NE).

ME đại diện cho năng lượng khả dụng mà gia cầm dùng để duy trì các chức năng cơ bản, sự sống còn, tăng trưởng và sản xuất; trong khi NE đại diện cho năng lượng khả dụng mà gia cầm dùng cho các chức năng sinh lý đặc biệt như việc sản xuất trứng hoặc thịt. Có thể xác định hàm lượng năng lượng của các nguyên liệu bằng cách phân tích trong phòng thí nghiệm hoặc xác định từ các bảng và cơ sở dữ liệu đã được công bố.

Bước 4: Tính toán mức năng lượng đóng góp từ mỗi nguyên liệu

Sau khi đã biết được hàm lượng năng lượng của các nguyên liệu thức ăn, bước tiếp theo là bạn cần tính được mức năng lượng đóng góp từ mỗi nguyên liệu, bằng cách nhân hàm lượng năng lượng của nguyên liệu đó với hàm lượng sử dụng của nó trong khẩu phần. Ví dụ, nếu ngô có hàm lượng ME là 3.200 kcal/kg và được đưa vào sử dụng với hàm lượng 60% trong khẩu phần, thì mức năng lượng đóng góp từ ngô sẽ là 3.200 kcal/kg * 0,60 = 1.920 kcal/kg.

Bước 5: Đạt được mức năng lượng mục tiêu

Sau khi tính toán được mức năng lượng đóng góp từ mỗi nguyên liệu, mục tiêu tiếp theo là cần đạt được mức năng lượng mục tiêu trong khẩu phần, bằng cách điều chỉnh hàm lượng sử dụng của các nguồn năng lượng hoặc bổ sung thêm các chất béo và dầu. Mức năng lượng mục tiêu cần đáp ứng được nhu cầu năng lượng của gia cầm ở từng giai đoạn tăng trưởng. Khi điều chỉnh mức năng lượng, bạn cần xem xét các hiệu ứng nồng độ hoặc pha loãng năng lượng tiềm ẩn của các chất dinh dưỡng khác trong khẩu phần.

Bước 6: Cân nhắc đến các tương tác dinh dưỡng

Cần cân nhắc đến sự tương tác giữa các chất dinh dưỡng trong quá trình cân bằng mức năng lượng. Hàm lượng của các chất dinh dưỡng khác như protein, axit amin, vitamin và khoáng chất trong khẩu phần có thể ảnh hưởng đến việc tận dụng năng lượng. Các chất dinh dưỡng này sẽ tương tác với quá trình trao đổi năng lượng và tác động đến hiệu suất tận dụng năng lượng. Ví dụ, sự mất cân bằng trong axit amin có thể làm giảm khả năng tận dụng năng lượng hiệu quả của gia cầm. Do đó, bạn cần đảm bảo tất cả các chất dinh dưỡng trong khẩu phần đều đạt được sự cân bằng thích hợp.

Bước 7: Đánh giá hiệu suất của khẩu phần

Sau khi xây dựng khẩu phần, bạn cần đánh giá hiệu suất của khẩu phần đó, đây là việc rất quan trọng. Cần theo dõi sự tăng trưởng, lượng ăn vào, tỷ lệ chuyển đổi thức ăn và các chỉ tiêu khác về năng suất của gà thịt. Thường xuyên đánh giá mức năng lượng trong khẩu phần và điều chỉnh nó nếu cần thiết. Ngoài ra, bạn cần phân tích chất lượng thân thịt và sức khỏe tổng thể của gia cầm để đảm bảo rằng khẩu phần được xây dựng sẽ đáp ứng được nhu cầu của chúng.

Bước 8: Cân nhắc đến các yếu tố môi trường

Cuối cùng, khi cân bằng và tối ưu hóa mức năng lượng trong khẩu phần gà thịt, điều quan trọng là phải cân nhắc đến các yếu tố môi trường. Các yếu tố như nhiệt độ, độ ẩm và mật độ nuôi có thể ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng. Ví dụ, nhiệt độ cao có thể làm tăng nhu cầu năng lượng của gia cầm do nhu cầu năng lượng duy trì của chúng sẽ tăng lên để giúp làm mát. Cần điều chỉnh mức năng lượng trong khẩu phần dựa trên các điều kiện môi trường hiện thời để tối ưu hóa năng suất và duy trì sức khỏe của gia cầm.

Kết luận:

Cân bằng và tối ưu hóa mức năng lượng trong khẩu phần gà thịt là một bước quan trọng để đảm bảo gà thịt tăng trưởng và phát triển hiệu quả. Bằng cách thực hiện theo từng bước trong bài hướng dẫn này, bạn sẽ có thể thực hiện thành công việc cân bằng và tối ưu hóa mức năng lượng trong khẩu phần ăn của gà thịt để hỗ trợ cải thiện sức khỏe và năng suất của chúng.



Acare VN Team

kỹ thuật khác