TG: Rajesh & cs.
Đường tiêu hóa (GIT) khỏe mạnh là yếu tố quan trọng trong việc tối ưu hóa năng suất, hiệu quả sử dụng thức ăn và sức khỏe tổng thể của đàn gia cầm tốt hơn. Trước đây, việc sử dụng kháng sinh như một chất kích thích tăng trưởng (AGP) thường ảnh hưởng tới sức khỏe đường ruột của động vật. Tuy nhiên, do mối lo ngại về sức khỏe cộng đồng, việc sử dụng AGP trong chăn nuôi đã bị cấm hoặc kiểm soát ở nhiều nước trên thế giới. Điều này đòi hỏi phải có các chiến lược dinh dưỡng để chăn nuôi gia cầm khỏe mạnh.
Thông thường, các chất thay thế AGP và các chất dinh dưỡng khác được bổ sung vào thức ăn hoặc nước uống cho gia cầm. Tuy nhiên, đường tiêu hóa của gia cầm mới nở vẫn chưa trưởng thành về mặt chức năng, dù đã trải qua những thay đổi đáng kể về mặt hình thái, tế bào và phân tử ở giai đoạn úm. Do đó, sự phát triển sớm của đường tiêu hóa có ý nghĩa quan trọng để tăng cường sử dụng chất dinh dưỡng và tối ưu hóa tăng trưởng trên gia cầm. Khẩu phần dinh dưỡng sớm sử dụng cả trong trứng và sau khi nở được coi như một chiến lược hiệu quả để thúc đẩy sự phát triển sớm của đường tiêu hóa, tuy nhiên các kết quả nghiên cứu lại không nhất quán.
Bài đánh giá dưới đây tóm tắt về thông tin dinh dưỡng trong trứng và sau nở khi bổ sung các chất dinh dưỡng, phụ gia thức ăn chăn nuôi khác nhau, và ảnh hưởng của chúng tới đường ruột, hình thái học, hệ vi sinh vật và hệ miễn dịch. Hơn nữa, bài đánh giá này sẽ cung cấp một cái nhìn cụ thể về tương lai của khẩu phần ăn sớm như một chiến lược để tăng cường sức khỏe đường ruột.
GIỚI THIỆU
Số lượng của gia cầm đã tăng với tốc độ nhanh hơn bất cứ loài vật nuôi nào trên toàn cầu. Trong các chiến lược đang sử dụng thì việc sử dụng khẩu phần ăn cân bằng dinh dưỡng cùng với việc sử dụng kháng sinh với mục đích tăng trưởng (AGP) trong khẩu phần đóng vai trò quan trọng để đạt được thành công này. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia cầm đang phải chịu áp lực về việc sản xuất thịt an toàn và chất lượng, nhất là mối lo ngại về việc sử dụng AGP trong khẩu phần ăn của gia cầm. Duy trì hoặc cải thiện sức khỏe đường ruột là cần thiết để tăng trưởng tối ưu, sử dụng thức ăn hiệu quả hơn và sức khỏe gia cầm tốt hơn. Ngoài ra, hệ tiêu hóa khỏe mạnh cũng rất quan trọng trong việc chuyển hóa thức ăn thành các dạng dễ hấp thu, từ đó sử dụng chất dinh dưỡng tối ưu, giúp tăng cường năng suất của gia cầm tốt hơn.
Sức khỏe đường ruột bao gồm: sử dụng chất dinh dưỡng hiệu quả, tính toàn vẹn của nhung mao đường ruột, sự ổn định của hệ vi sinh vật và hệ thống miễn dịch. Hơn nữa, sức khỏe đường ruột bao gồm nhiều mặt phức tạp: dinh dưỡng – hệ vi sinh vật – hệ miễn dịch và sinh lý động vật. Khi sức khỏe đường ruột bị ảnh hưởng, quá trình tiêu hóa và hấp thu các chất dinh dưỡng cũng bị ảnh hưởng, do đó có thể tác động bất lợi đến khả năng tiêu hóa thức ăn, đồng thời làm vật nuôi dễ mắc bệnh hơn, từ đó dẫn tới các thiệt hại kinh tế. Ngoài ra, những quy định chăn nuôi thay đổi gần đây về việc sử dụng kháng sinh, các yêu cầu về thức ăn và việc sử dụng hiệu quả thức ăn đã cho thấy sự cần thiết về chức năng đường ruột và sức khỏe tổng thể. Do đó, việc hiểu và cải thiện sức khỏe đường ruột bằng các chiến lược dinh dưỡng khác nhau đang trở thành nhu cầu thực tế trong chăn nuôi động vật dạ dày đơn, đặc biệt là khi không được sử dụng kháng sinh trong khẩu phần ăn.
Việc gà con có lợi từ việc tiếp cận sớm thức ăn và nước uống đã được chứng minh. Gà con 1 ngày tuổi khỏe mạnh là liên kết quan trọng giữa trại gà giống và trại nuôi thịt. Việc cung cấp nước và chất dinh dưỡng chậm cho gà có thể làm giảm năng suất tổng thể của chúng do những ảnh hưởng tới năng suất. Hậu quả nghiêm trọng nhất của việc cho ăn muộn đó là làm tăng tỷ lệ tử vong. Các chiến lược về chương trình dinh dưỡng giai đoạn đầu đã được đề xuất và phát triển để giảm bớt hoặc đảo ngược những ảnh hưởng của việc cho ăn muộn. Các chiến lược này bao gồm bổ sung chất dinh dưỡng từ trong trứng tới khẩu phần ăn đặc biệt sau nở.
Tầm quan trọng của chương trình dinh dưỡng giai đoạn và ảnh hưởng của nó tới năng suất tăng trưởng và các phần của sức khỏe đường ruột (nhung mao đường ruột, hệ vi sinh vật và hệ miễn dịch) đã được nghiên cứu rộng rãi trong hai thập kỉ qua. Một số nghiên cứu đã được thực hiện về các chất dinh dưỡng bổ sung cụ thể và tác động của nó tới vật nuôi. Ví dụ về việc bổ sung probiotic trong giai đoạn đầu đời giúp ngăn ngừa mầm bệnh nhiễm trùng, bổ sung các acid amin (L-arginine, L-lysine, L-histidine, threonine) có lợi trong việc tăng trưởng, vitamin C và E tăng cường hệ miễn dịch, carbonhydrate tăng dự trữ glycogen và bổ sung creatine giúp thúc đẩy cơ. Ngoài ra, việc bổ sung vào cơ thể các acid amin chứa lưu huỳnh (methionine với cystine) trong phôi trứng trong môi trường stress nhiệt có tác động tích cực tới gen và các chỉ số chống oxy hóa cũng như làm giảm lượng lipid của gà con mới nở.
Bài đánh giá này xem xét tình trạng hiện tại về bổ sung dinh dưỡng trong trứng và sau nở như một chiến lược nâng cao sức khỏe đường ruột của gia cầm. Nhấn mạnh vào ảnh hưởng của chất dinh dưỡng khác nhau đối với các hình thái mô ruột, hệ vi sinh vật và hệ thống miễn dịch. Bài báo cáo cung cấp thêm các ứng dụng tiến bộ của ngành chăn nuôi gia cầm. Đồng thời cũng nêu rõ những hạn chế hiện tại và tiềm năng trong tương lai về nhu cầu nghiên cứu để sử dụng hiệu quả việc cho ăn sớm ở gia cầm.
TẦM QUAN TRỌNG CỦA CHƯƠNG TRÌNH DINH DƯỠNG GIAI ĐOẠN ĐẦU
Giai đoạn từ cuối phôi thai đến vài ngày sau nở là thời kỳ quan trọng đối với sự phát triển của đường tiêu hóa (GIT) và hệ thống miễn dịch của gia cầm. Không như các động vật có vú có thể tác động đến sự phát triển của bào thai ngay cả trước khi sinh, các loài gia cầm chỉ có thể biểu hiện thông qua các chỉ tiêu thành phần trứng. Do hạn chế này, tất cả các chất dinh dưỡng, các yếu tố tăng trưởng và thiết bị cần thiết cho sự phát triển bắt buộc phải có sau khi trứng thụ tinh.
Ngoài ra, do phôi phát triển và khả năng trao đổi chất dinh dưỡng nhanh chóng nên một số chất dinh dưỡng thiết yếu có thể bị cạn kiệt hoặc không đủ trong những giai đoạn thách thức từ môi trường bất lợi hoặc dịch bệnh. Sự hạn chế về chất dinh dưỡng dự trữ có thể làm giảm khả năng phát triển và tăng trưởng tối đa của gà con mới nở. Tính khả dụng của các chất thiết yếu có thể cải thiện bằng cách cung cấp dinh dưỡng sớm cho phôi và gà con. Dinh dưỡng sớm hoặc chương trình dinh dưỡng giai đoạn đầu là khái niệm cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho gia cầm trong giai đoạn phôi đang phát triển hoặc ngay sau nở cho đến khi chúng có hệ tiêu hóa hoàn toàn trưởng thành.
Một chương trình dinh dưỡng sớm có thể tạo nên cơ hội tác động tới sự phát triển của gà con từ trong trứng và khắc phục những hạn chế về giới hạn chất dinh dưỡng khi ấp muộn đó là bổ sung dinh dưỡng trong trứng (IOF). Kỹ thuật này tạo điều kiện cung cấp các chất dinh dưỡng thiết yếu, chất bổ sung để nâng cao khả năng phát triển và tăng trưởng của phôi thai. Một số bộ phận được bổ sung bao gồm: túi ối, túi noãn hoàng và túi khí. Nước ối bao quanh phôi thai đang phát triển được cho là có tác dụng bảo vệ cơ học, ngăn ngừa sự hút ẩm và bám dính của phôi thai. Phần nước ối cũng chứa protein, chất khoáng, hormone, nước và các chất dinh dưỡng khác cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của phôi gà. Phôi gà hấp thụ chất dinh dưỡng từ nước ối khoảng từ ngày 13 của quá trình ấp cho tới khi nở. Hiện tượng hấp thụ nước ối của phôi thai thời kỳ cuối tạo cơ hội bổ sung nhiều chất dinh dưỡng thiết yếu khác nhau để đạt được sức khỏe đường ruột của gà con.
Các chất dinh dưỡng được tiêm vào khoang ối sẽ được tiêu hóa và tập trung ở phổi và ruột do chuyển động hô hấp của phôi thai kỳ cuối. Việc bổ sung này cũng có thể được sử dụng để cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho phôi thai thời kỳ cuối để bảo vệ phôi khỏi các tác động và tránh việc gà bị bỏ đói trong thời gian ấp. Afsarian và cộng sự đã phát hiện ra rằng việc tiêm thyroxine trong trứng cùng với việc điều chỉnh nhiệt độ vỏ trứng làm giảm tỷ lệ tử vong xảy ra do lạnh, cải thiện chất lượng gà con và tỷ lệ nở. Gần đây, Yang và cộng sự đã quan sát thấy IOF của creatine làm tăng hàm lượng glucose trong cơ đùi của gà mới nở, điều này cho thấy rằng sự chuyển hóa năng lượng cũng có thể thay đổi ở phôi gà con bằng cách tiêm bổ sung các chất có hoạt tính sinh học khác nhau. Hơn nữa, việc bổ sung prebiotic trong trứng có thể có lợi vì chúng đã được chứng minh giúp tăng số lượng vi khuẩn có lợi và thúc đẩy sự phát triển sớm của chúng trong ruột gà mới nở. Tương tự, các nhà nghiên cứu đang quan tâm việc bổ sung vào trứng probiotic và sysbiotic vì chúng có thể có khả năng cải thiện miễn dịch và sức đề kháng chống lại mầm bệnh sau khi nở.
Giai đoạn từ trứng có phôi đến lúc nở cũng rất quan trọng, vì gà con phải điều chỉnh sự thay đổi về bản chất dinh dưỡng từ việc sử dụng lipid ở lòng đỏ sang sự dụng carbonhydrate từ thức ăn rắn. Các nhà nghiên cứu đã quan sát thấy gà con sử dụng lipid hiệu quả hơn sau khi nở và dần hấp thụ được nhiều hexoses và acid amin hơn. Quá trình thay đổi của gà con từ việc sử dụng chất dinh dưỡng ở túi phôi thành nguồn dinh dưỡng sử dụng trong hệ tiêu hóa mới phát triển. Sử dụng khẩu phần ăn sớm sau khi nở là điều cần thiết, không chỉ cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường mà còn để duy trì cân bằng nội môi. Cho gà ăn sớm có thể cung cấp nguồn nguồn năng lượng có sẵn để hỗ trợ việc dự trữ nguồn glycogen ở gan và duy trì nhiệt độ cơ thể cao trong những ngày đầu mới nở. Ngược lại, chương trình dinh dưỡng giai đoạn đầu chứa nhiều chất kháng dinh dưỡng như NSP trong thời kỳ đầu có thể làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn và năng suất tổng thể ở gà. Do quan điểm và hiểu biết hạn chế về nhu cầu dinh dưỡng của gia cầm mới nở (ví dụ như gà con, vịt con và gà tây con) được cho ăn khẩu phần ăn khởi động từ khi nở tới 2-4 tuần. Một số nhà nghiên cứu đã báo cáo rằng khối lượng gà 6-7 tuần có mối quan hệ tuyến tính với khối lượng của chúng ở tuần đầu tiên và nó không phải do việc chăm sóc cũng như khối lượng khi nở.
Chương trình dinh dưỡng giai đoạn đầu có thể đắt hơn khẩu phần ăn khởi động, nhưng việc cho ăn này chỉ kéo dài trong thời gian ngắn, khoảng 3-4 ngày nhưng lại có tác động tích cực tới hiệu suất của gà. Cho gà ăn trong những ngày đầu tiên của cuộc đời là một trong những yếu tố có thể ảnh hưởng tới khả năng tăng trưởng, hiệu quả sử dụng thức ăn, độ đồng đều và cuối cùng là lợi nhuận của người chăn nuôi. Gà con sử dụng chất dinh dưỡng ở giai đoạn đầu phụ thuộc và quá trình tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng trong đường ruột. Năng suất cải thiện được quan sát thấy ở gà bằng cách cho ăn khẩu phần ăn chứa carbohydrare và chất béo trong suốt cuộc đời.
Chương trình dinh dưỡng giai đoạn đầu tập trung nhiều vào các chất dinh dưỡng dễ tiêu hóa hơn là tổng nhu cầu, và đó có thể là tiền đề cho gà con sau này tiêu hóa được các chất dinh dưỡng phức tạp hơn sau khi cơ thể tự sản sinh ra enzyme. Vì các chất dinh dưỡng dễ tiêu thường đắt tiền, vì vậy nên sử dụng kết hợp các enzyme khác nhau hoặc sử dụng enzyme có khả năng hoạt động cao so với các enzyme sử dụng ở khẩu phần giai đoạn sau để cải thiện được năng suất của vật nuôi. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn có ít các nghiên cứu được tiến hành để ước tính nhu cầu dinh dưỡng của gà con tuần đầu tiên để tốt hơn về khối lượng và khả năng đề kháng cao so với những con gà được ăn khẩu phần ăn bình thường.
Đối với đường tiêu hóa ở gia cầm, đặc biệt là ruột non gia cầm có mức phát triển cao nhất trong giai đoạn tăng trưởng ở tuần đầu tiên. Do đó, việc không sử dụng chương trình dinh dưỡng giai đoạn đầu có thể dẫn tới giảm chiều dài và diện tích bề mặt nhung mao đường ruột, ảnh hưởng tiêu cực đến việc sử dụng chất dinh dưỡng và tăng trưởng. Việc cho khẩu phần ăn sớm sẽ giúp phát triển hệ miễn dịch bằng cách cung cấp chất dinh dưỡng cho sự tăng sinh và biệt hóa các tế bào, hoặc bằng cách cung cấp chất nền cho hoạt động kháng nguyên và điều hòa miễn dịch từ đó sản xuất ra một số immunoglobulin.
Việc tiếp cận sớm với các chất dinh dưỡng là điều cần thiết để có khả năng miễn dịch tốt và cải thiện sức khỏe của gà con. Bằng một chiến lược dinh dưỡng phù hợp, một kích thích cụ thể có thể được tạo ra để hướng dẫn hệ thống miễn dịch này đi theo hướng thích hợp và mong muốn hơn. Yêu cầu nâng cao hệ miễn dịch trở nên đặc biệt quan trọng trong vấn đề giảm sự phụ thuộc vào chất kháng sinh kích thích tăng trưởng (AGP). Một trong những lựa chọn phù hợp để thay thế AGP có thể là bổ sung cytokine cho gà. Ngoài ra, việc tiếp cận sớm với thức ăn có bổ sung mannanoligosaccharide và chất bổ sung đã được chứng minh về khả năng cải thiện sự phát triển của hình thái ruột và phản ứng miễn dịch của gà với mần bệnh C. perfringens so với gà con không được tiếp cận khẩu phần ăn sớm.
Gần đây, trong một nghiên cứu trên heo con, Tiwari và cs đã báo cáo rằng việc sử dụng các enzyme phân giải NSP đã ảnh hưởng việc sản xuất các protein duy trì chức năng hàng rào của ruột và có thể giảm tính thẩm thấu của ruột với các mầm bệnh xâm nhập. Mateos đã xem xét các tài liệu về ảnh hưởng của việc tiếp cận hoặc hạn chế thức ăn sớm và thay đổi khẩu phần ăn trong khẩu phần ăn khởi động và kết luận rằng có sự khác biệt về năng suất khi gà tăng thời gian nuôi. Tuy nhiên, vẫn còn rất ít các thông tin về việc bổ sung khẩu phần ăn sớm và hầu hết các nghiên cứu hiện nay tập trung vào việc gà con được tiếp cận sớm với thức ăn. Các nghiên cứu sâu hơn nên được tiến hành nhằm xác định về khẩu phần ăn sớm có nên sử dụng để tối ưu hóa cân bằng nội môi, giúp gia cầm tăng trưởng tối đa trong tương lai cũng như hiệu quả sử dụng thức ăn hay không.
(Còn tiếp...)
Nguồn: eFeedlink
Biên dịch: Acare Team