Liệu di truyền có giải quyết được hiện tượng mổ lông nhau ở gia cầm?



 Theo nghiên cứu của giáo sư Werner Bessei từ Đại học Hohenheim, Đức. Việc mổ lông nhau là do yếu tố di truyền chứ không phải là do hệ thống quản lý.

Thiệt hại do tình trạng gà mổ lông và ăn thịt đồng loại làm ảnh hưởng đến sức khỏe đàn gia cầm cũng như tổn thất kinh tế đối với người chăn nuôi. Hiện tượng mổ lông trở nên nổi bật khi lệnh cấm cắt mỏ ban hành vì phúc lợi động vật. Trong khi những người nông dân được khuyên là nên thay đổi hệ thống quản lý – như là sử dụng thêm nhiều công cụ hỗ trợ quản lý, tạo nhiều không gian cho gia cầm – sẽ giảm hẳn hành vi mổ lông của gia cầm thì những nghiên cứu gần đây cho rằng điều này chưa chính xác.

Theo nghiên cứu của giáo sư Werner Bessei từ Đại học Hohenheim, Đức. Việc mổ lông nhau là do yếu tố di truyền chứ không phải là do hệ thống quản lý. Dựa trên những nghiên cứu này, Bessei và cộng sự cho rằng sự hiểu biết về di truyền học gia cầm có thể giúp giảm thiểu hiện tượng mổ lông và ăn thịt nhau ở gia cầm.

Hầu hết các nhà khoa học cho rằng hiện tượng mổ lông là hệ quả của thói quen cho gia cầm ăn không đúng cách. Do đó, phương pháp để chống lại hiện tượng này là khiến cho gia cầm bận rộn như tạo không gian cho gà bới đất và kiếm ăn. Một biện pháp khác là làm thức ăn loãng ra để gia cầm ăn lâu hơn và khiến chúng không chú ý tới việc mổ lông nhau nữa.

Bessei cho biết “trong hầu hết các trường hợp, các biện pháp trên không có tác động đáng kể. Bạn có thể giảm thiểu tình trạng mổ lông bằng cách đó nhưng không thể loại bỏ hoàn toàn.”

Bessei cho rằng tình trạng này là do di truyền chứ không phải môi trường. Trong quá trình nghiên cứu, ông đã vô tình bắt gặp một đàn gia cầm mà ông gọi là những “con gà hay mổ”. Khi người ta sử dụng thêm công cụ quản lý đối với đàn gà này, chúng vẫn tiếp tục mổ lông do đó các nhà khoa học muốn tìm hiểu nguyên nhân.

Ông nói rằng “rõ ràng là có một nguồn gen đặc biệt nào đó ở những giống gà có xu hướng muốn ăn lông”. Đó là điều khác biệt đầu tiên giữa lý thuyết và những gì đang diễn ra trên thực tế. Chỉ đơn giản là những con gà này muốn ăn lông cho nên ăn lông chính là động cơ ban đầu của chúng.

Bessei chỉ ra rằng chứng mổ lông vẫn tồn tại ở những cở sở chăn nuôi gà thả vườn. Những nghiên cứu của ông cho thấy thậm chí khi mà nông dân đã áp dụng các chiến lược quản lý được khuyến nghị để giảm tình trạng mổ lông thì hiệu quả cũng không đáng kể. Ông hỏi “làm sao chúng ta có thể tranh cãi nguyên nhân căn bệnh là do khoảng không gian. Gia cầm có đủ không gian”.

Tin tốt là Bessei đã cho biết rằng có thể phân loại những con gia cầm hung hăng, có khuynh hướng mổ lông. Ông nói rằng “người ta đã làm được như vậy ở Scandinavia nhiều năm nay, nhưng với điều kiện là bạn có thể điều chỉnh được cường độ sáng”.

Ông nói thêm “nếu bạn nuôi nhốt gà trong chuồng, bạn có thể giảm cường độ sáng. Và theo tôi, đây là một trong những phương pháp đáng tin cậy để giảm mổ lông và ăn thịt nhau. Tuy nhiên, đối với gà thả vườn, bạn phải đối mặt với nguy cơ gà bị bệnh và nếu bệnh bùng phát, thì khả năng là bạn sẽ mất từ 10-20% đàn gia cầm.

Bessei cho rằng lệnh cấm cắt mỏ được ban hành sớm hơn dự tính. “Người ta thông báo với nông dân rằng có điều không ổn trong cách họ quản lý chuồng trại, nhưng thật ra mọi việc đều ổn.”

Bessei thừa nhận rằng quản lý tốt sẽ giảm được tình trạng mổ lông nhưng không hiệu quả đối với tất cả các loại gia cầm, và chắc chắn là không ổn định lâu dài. “Quản lý tốt có thể ổn với đàn gà này, nhưng chưa chắc nó cũng sẽ ổn như vậy đối với đàn gà khác.” Ông nói, “cho nên sẽ không hợp lý khi nói với nông dân rằng nếu họ quản lý tốt thì gà của họ không mổ lông. Thí nghiệm của chúng tôi đã chứng minh điều này”.

Ông nói thêm “dù bạn có làm gì đi nữa, thì sẽ luôn có một số gia cầm trong đàn mổ lông nhau, điều đó quả là thảm họa”.

Bas Rodenburg, là phó giáo sư tại Đại học Wageningen, Hà Lan không chắc chắn về việc loại bỏ hẳn vấn đề mổ lông, nhưng ông tin rằng tình trạng này có thể được ngăn chặn thông qua việc quản lý đàn. Rodenburg đã tiến hành một cuộc nghiên cứu về khả năng di truyền của vấn đề mổ lông. Những người nông dân Hà Lan đang chuẩn bị cho lệnh cấm cắt mỏ gà sắp tới, bắt đầu vào năm 2018.

Trong một nghiên cứu để xác định khả năng di truyền của hiện tượng mổ lông và đáp ứng ở môi trường nuôi thả của gà đẻ ở hai độ tuổi khác nhau. Ông kết luận, những con gà ít có khuynh hướng mổ lông và hành vi hiền lành ở môi trường nuôi thả có thể được chọn để giảm hiện tượng mổ lông ở thế hệ tiếp theo.

Ông nói “tất nhiên không phải tất cả các đàn đều cho kết quả tốt, sẽ luôn có một số đàn còn tình trạng mổ lông. Nhưng tôi nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu chúng ta kết hợp giữa chọn giống, tạo môi trường nuôi gà con và gà đẻ tốt.”

Một số nông dân đã chuyển sang chăn nuôi gà không cắt mỏ và dường như kết quả đang rất khả quan. Rodenburg nói “chắc chắn là bởi vì họ đã thực sự tập trung vào quản lý chuồng trại và họ đang làm rất tốt”, ông đề nghị “các công ty thức ăn chăn nuôi và thú ý cũng cần lưu ý đến diễn biến liên quan đến hiện tượng này.”

Ông nói thêm “thực vậy, tôi nghĩ rằng [loại bỏ tình trạng mổ lông] là có thể được. Tuy nhiên, điều này khá khó khăn, đặc biệt đối với những nước nuôi gà quy mô lớn, trang trại rất rộng và không có khu chăn thả.

Như Bessei, Rodenburg cũng thấy rằng yếu tố di truyền cũng là một phần giải pháp. Ông nói “tôi không nghĩ rằng di truyền là giải pháp duy nhất. Điều này nghĩa là chúng ta không thể loại bỏ bằng cách chỉ thông qua chọn lọc, tuy nhiên nguồn gen tốt đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng mổ lông này.”

Nguồn: Thepoultrysite
Biên dịch: Acare VN Team

kỹ thuật khác