MÀO GÀ CHUYỂN SANG MÀU TÍM: NGUYÊN NHÂN VÀ CÁCH ĐIỀU TRỊ


Tác giả: Akinbobola A.


Mồng gà (mào gà) là một phần thịt nhô ra trên đỉnh đầu của con gà, nó có một số chức năng quan trọng như: giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể của gia cầm, cho phép oxy và chất dinh dưỡng lưu thông tốt hơn, và thậm chí phần thịt này có thể cho thấy sức khỏe tổng thể của gia cầm.

Khi mồng gà chuyển sang màu tím, đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn cần được điều trị. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu một số nguyên nhân khiến mồng gà chuyển sang màu tím và đưa ra một số giải pháp giúp cho gà sống khỏe mạnh và vui vẻ. Sau đây là 5 nguyên nhân có thể gây ra tình trạng gà bị tím mồng và các giải pháp:


1. Bệnh tụ huyết trùng trên gà (Fowl Cholera)


Bệnh tụ huyết trùng trên gà là một bệnh nhiễm khuẩn rất dễ lây lan có thể ảnh hưởng đến gà, gà tây, vịt và các loài gia cầm khác. Đây là bệnh do vi khuẩn Pasteurella multocida gây ra, chủng khuẩn này có thể được tìm thấy trong nước, thức ăn hoặc thiết bị bị ô nhiễm. Số gà bị nhiễm bệnh có thể có các triệu chứng như bị tím mồng và yếm thịt, chán ăn, lờ đờ, tiêu chảy và có tỷ lệ tử vong cao. Thuốc kháng sinh là phương pháp điều trị chính cho bệnh nhiễm trùng này, nhưng việc thực hiện tốt các biện pháp thực hành an toàn sinh học cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh lây lan trong đàn.

2. Bệnh cúm gia cầm


Bệnh cúm gia cầm (Avian flu), hay còn được gọi là bird flu, là một bệnh nhiễm vi-rút rất dễ lây lan có thể ảnh hưởng đến gia cầm, các loài gia cầm hoang dã và con người. Nó được gây ra bởi các chủng vi-rút cúm khác nhau, bao gồm H5N1, H7N9 và H9N2. Các dấu hiệu bệnh bao gồm mồng gà bị tím, suy hô hấp, ho, hắt hơi, tiêu chảy và đột tử. Cúm gia cầm có thể lây truyền qua việc tiếp xúc trực tiếp với số gia cầm bị nhiễm bệnh, phân của chúng hoặc bề mặt bị ô nhiễm. Tổng quan thì việc chăm sóc hỗ trợ là phương pháp điều trị khả dụng duy nhất dành cho bệnh cúm gia cầm, vì vậy việc phòng ngừa thông qua các biện pháp an toàn sinh học nghiêm ngặt là phương pháp tốt nhất.

3. Tổn thương mạch máu (do chấn thương hoặc tê cóng)


Gà bị tổn thương ở phần mồng hoặc yếm thịt, do các nguyên nhân như mổ, đánh nhau hoặc do các vật sắc nhọn gây nên; những nguyên nhân trên có thể làm hỏng các mạch máu và khiến chúng vỡ ra làm cho phần mồng và yếm thịt của gà bị đổi sang màu tím. Bỏng lạnh cũng có thể là nguyên nhân gây tổn thương mạch máu khiến cho mồng và yếm thịt của gà đổi sang màu tím. Cần ngăn ngừa tổn thương cho gà bằng cách cung cấp một môi trường an toàn và sạch sẽ cho chúng, đồng thời bảo vệ chúng khỏi thời tiết quá lạnh vì việc này có thể giúp ngăn ngừa tổn thương mạch máu. Bôi dầu khoáng lên phần mồng và yếm thịt có thể giúp bảo vệ gà khỏi bị tê cóng.

4. Các vấn đề về tuần hoàn hoặc hô hấp


Các vấn đề về tuần hoàn hoặc hô hấp có thể làm giảm lưu lượng oxy đến mồng và yếm thịt, khiến cho mồng gà chuyển sang màu tím. Các vấn đề này có thể do nhiều yếu tố gây ra, chẳng hạn như bệnh tim, nhiễm trùng phổi hoặc nhiễm ký sinh trùng. Việc chẩn đoán và điều trị đúng cách bởi bác sĩ thú y có thể giúp giải quyết nguyên nhân tiềm ẩn của vấn đề.

5. Ve và bọ chét


Ve và bọ chét có thể gây kích ứng và làm hỏng phần mồng và yếm thịt của gà; từ đó khiến cho mồng gà chuyển từ màu đỏ sang màu tím. Số gà bị nhiễm bệnh nên được điều trị bằng thuốc thích hợp, cần phải làm sạch và khử trùng kỹ lưỡng môi trường sống của chúng để ngăn ngừa tái nhiễm.


Nguồn: livestocking.net
Biên dịch: Acare VN Team

kỹ thuật khác