NGHIÊN CỨU CÁC TÁC ĐỘNG CỦA VIỆC SỬ DỤNG OXIT KẼM VI BỌC LIỀU THẤP


Tác giả: Xin Jian Lei et al.

(Acare VN) Sử dụng oxit kẽm vi bọc ở liều thấp sẽ mang lại hiệu quả tương đương với việc sử dụng oxit kẽm ở liều dược lý trong việc thúc đẩy năng suất tăng trưởng, giảm điểm số của phân (giảm mức độ tiêu chảy), cải thiện hình thái ruột và khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng ở lợn con cai sữa.

Nghiên cứu này được thực hiện để đánh giá các tác động của oxit kẽm vi bọc đối với năng suất tăng trưởng, khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng, điểm số của phân, nồng độ khoáng trong huyết thanh, lượng kẽm trong phân, hình thái ruột và một số quần thể vi khuẩn ở lợn con cai sữa. Tổng cộng có 192 lợn con cai sữa lai giữa ba giống [(Yorkshire × Landrace) × Duroc] có trọng lượng cơ thể là 7,42 ± 0,97 kg, được phân ngẫu nhiên vào một trong các khẩu phần thử nghiệm sau: 

1. Lô đối chứng âm (NC): khẩu phần cơ bản; 
2. Lô đối chứng dương (PC): khẩu phần NC có bổ sung 2500 mg/kg oxit kẽm thông thường; 
3. Lô CZO300: khẩu phần NC có bổ sung 300 mg/kg oxit kẽm vi bọc; 
4. Lô CZO500: khẩu phần NC có bổ sung 500 mg/kg oxit kẽm vi bọc;
5. Lô CZO1000: khẩu phần NC có bổ sung 1000 mg/kg oxit kẽm vi bọc; 
6. Lô CZO2000: khẩu phần NC có bổ sung 2000 mg/kg oxit kẽm vi bọc. 

Mỗi lô thử nghiệm đều được tiến hành lặp lại, mỗi lần lặp lại với 8 chuồng (4 con/ chuồng). Trong giai đoạn thử nghiệm từ 0–21 ngày, số lợn trong lô PC, CZO500, CZO1000 và CZO2000 có mức tăng trưởng trung bình hàng ngày (ADG) cao hơn (P < 0,01) so với số lợn trong lô NC.Trong giai đoạn từ 0–42 ngày, số lợn được cho ăn các khẩu phần có bổ sung oxit kẽm vi bọc với hàm lượng 500, 1000 và 2000 mg/kg đã có mức ADG tăng cao hơn (P <0,05) so với số lợn ăn khẩu phần NC. Trong 3 tuần đầu của thử nghiệm, số lợn ăn khẩu phần PC, CZO300, CZO500, CZO1000 và CZO2000 đã cho thấy điểm số của phân thấp hơn (P < 0,01) so với số lợn ăn khẩu phần NC, nhưng các điểm số này không có sự khác biệt đáng kể giữa các khẩu phần có bổ sung oxit kẽm vi bọc. Lợn được cho ăn khẩu phần PC, CZO1000 hoặc CZO2000 có hệ số tiêu hóa biểu kiến vật chất khô toàn phần lớn hơn (P < 0,05) so với số lợn ăn khẩu phần NC. So với số lợn được cho ăn khẩu phần NC, thì số lợn được cho ăn khẩu phần PC hoặc các khẩu phần có bổ sung oxit kẽm vi bọc đã có nồng độ kẽm trong huyết thanh và phân cao hơn (P < 0,01). Chiều cao nhung mao tại tá tràng và tỷ lệ chiều cao nhung mao / độ sâu của ống ruột (tỷ lệ V/C của ruột) của số lợn ăn khẩu phần PC, CZO1000 và CZO2000 cũng đã tăng cao hơn (P < 0,05) so với số lợn ăn khẩu phần NC; trong đó, các giá trị này không có sự khác biệt giữa số lợn ăn các khẩu phần PC, CZO1000, và CZO2000. 

Tóm lại, việc bổ sung oxit kẽm vi bọc ở liều lượng thấp (từ 500–1000 mg/kg) đã cho thấy hiệu quả tương đương với việc sử dụng oxit kẽm ở liều dược lý (2500 mg/kg) trong việc thúc đẩy tăng trưởng, giảm mức độ tiêu chảy của lợn con sau cai sữa, cải thiện hình thái ruột non cũng như khả năng tiêu hóa chất dinh dưỡng. Ngoài ra, bổ sung oxit kẽm vi bọc ở liều thấp còn giúp giảm lượng kẽm bài tiết trong phân so với việc sử dụng oxit kẽm ở liều dược lý (2500 mg/kg).


Nguồn: https://doi.org/10.1016/j.anifeedsci.2018.06.011
Biên dịch: Acare VN Team

kỹ thuật khác