NƯỚC ĐÓNG VAI TRÒ QUAN TRỌNG NHƯ MỘT CHẤT DINH DƯỠNG TRONG CHĂN NUÔI GÀ THỊT GIỐNG

Lượt xem 63

Tác giả: Brendan Graaf
 

(Acare VN) Nước là một chất dinh dưỡng thiết yếu thường bị lãng quên và ít được chú trọng đến. Nước đóng một vai trò quan trọng trong cơ thể động vật bao gồm nhiều chức năng như: giúp tiêu hóa các chất dinh dưỡng, chuyển hóa và vận chuyển các chất dinh dưỡng qua máu. Nước cũng giúp hỗ trợ quá trình vận chuyển thức ăn qua đường tiêu hóa bằng cách làm mềm thức ăn và tham gia vào quá trình đào thải phân và axit uric. Ngoài ra, nước còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh nhiệt độ của cơ thể.

 Sau khi gà được cho ăn xong, chúng sẽ di chuyển đến máng để uống nước, và chúng ta có thể thấy rõ tầm quan trọng của nước tại thời điểm này. Với những lý do đó, chúng tôi khuyên bạn nên đảm bảo cho đàn gà có đủ không gian để uống nước (khoảng từ 8 đến 10 con gà thịt giống cho mỗi núm uống), và đảm bảo tốc độ dòng chảy chính xác cho từng lứa tuổi. Không gian uống hoặc lượng nước uống không đủ sẽ khiến cho tốc độ tăng trưởng và độ đồng đều của đàn gia cầm bị kém đi. Để biết được đàn cầm đã uống đủ nước hay chưa, bạn hãy cảm nhận diều của chúng ở thời điểm một tiếng sau khi chúng ăn xong để đảm bảo rằng diều của chúng mềm và dẻo ( xem Hình minh hoạ ).
 

Hình minh hoạ. Có thể thực hiện kiểm tra độ lấp đầy của diều để đảm bảo thức ăn và nước đã được tiêu thụ.

Có ba dạng nước khả dụng để hỗ trợ cân bằng nước cho gà, như sau: Hai dạng phổ biến nhất chính là nước uống - chiếm 75% nhu cầu hàng ngày của gà, và dạng nước liên kết trong thức ăn chiếm từ 7,5% đến 10% nhu cầu. Dạng thứ ba ít được biết đến đó là dạng nước chuyển hóa, được cơ thể tạo ra trong quá trình oxy hóa các chất dinh dưỡng và chiếm từ 15% đến 25% nhu cầu hàng ngày của gà.


Có thể thay đổi lượng nước uống vào cho gà bằng việc điều chỉnh công thức thức ăn theo hai cách. Cách đầu tiên là điều chỉnh mức đạm/ protein trong thức ăn, việc này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến lượng nước tiêu thụ. Thức ăn giàu đạm sẽ làm cơ thể sản xuất kém đi lượng nước chuyển hoá, nhưng cũng làm tăng lượng nước cần thiết để bài tiết nitơ dư thừa. Do đó, một khẩu phần ăn giàu đạm hơn (nói chung) sẽ khiến gà tiêu thụ nhiều nước hơn. Nếu mục đích của bạn là giảm lượng nước tiêu thụ, thì hãy xây dựng thức ăn với lượng axit amin tổng hợp cao hơn và giảm lượng protein thô tổng thể.
 

Thức ăn cũng có thể tác động đến sự cân bằng nước thông qua việc điều chỉnh chất điện giải. Mặc dù có một số phương pháp được dùng để tính mức cân bằng điện giải, nhưng những phương pháp này rất khó để có thể sử dụng trong thực tế. Cân bằng tốt các chất điện giải là việc cần thiết vì điều này cũng tác động đến lượng nước uống vào và chất lượng của chất độn chuồng. Cần tránh để dư thừa một số khoáng chất như natri, clorua và kali vì chúng có thể kích thích lượng nước hấp thụ quá mức và làm cho phân bị ướt. Trong một số trường hợp, tốt nhất là hãy đơn giản hóa quá trình cân bằng điện giải bằng cách cân bằng natri và clorua, đồng thời cung cấp kali và sulphat thông qua các axit amin. 

Thức ăn chăn nuôi chứa hàm lượng độ ẩm khoảng 12,5% - 13,5%, với hàm lượng chủ yếu được tìm thấy trong nguyên liệu chính (ngũ cốc). Đối với các dạng thức ăn được sản xuất trong cùng một nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi, hàm lượng độ ẩm trong thức ăn bột có xu hướng thấp hơn so với thức ăn ép viên từ 0,2% -  0,3%. Thức ăn nghiền vụn thường có cùng độ ẩm với thức ăn bột. Hầu hết 99% độ ẩm có trong thức ăn bột được “liên kết” trong các tế bào của nguyên liệu thức ăn. Trong quá trình ép viên, độ ẩm được bổ sung dưới dạng hơi nước để nấu chín và đưa thức ăn đi qua khuôn ép. Phần lớn độ ẩm thêm vào sau đó đã được loại bỏ trong quá trình làm mát. Thức ăn sau khi ép viên, còn nóng cần phải được làm mát trong khoảng +/- 2,7 ° C (+/- 5 ° F) trước khi bảo quản ở nhiệt độ môi trường và vận chuyển để ngăn chặn sự tích tụ hơi ẩm tự do từ không khí xung quanh vào thức ăn. Thức ăn có chứa cao hơn 0,5% độ ẩm tự do dễ có nguy cơ bị nấm mốc phát triển. Hiếm khi hàm lượng độ ẩm của thức ăn chăn nuôi dạng bột cao hơn 14% và thức ăn dạng viên cao hơn 14,5%; trong trường hợp này, chúng ta cần phải đánh giá nguồn gốc độ ẩm để ngăn ngừa độ ẩm “tự do” dư thừa. 

Lượng nước chứa trong thức ăn sẽ được gia cầm tận dụng khi quá trình tiêu hóa bắt đầu diễn ra tại ruột. Ngũ cốc được bảo quản trong thời gian dài thường dễ bị ẩm – chứa hàm lượng độ ẩm thấp, vì vậy nên cũng làm cho thức ăn bị ẩm theo (hàm lượng độ ẩm từ 10,5% đến 11,5%), nhưng việc này không làm ảnh hưởng đến sự ngon miệng cho gà. Tuy nhiên, quá trình nghiền nguyên liệu khô nguyên hạt có thể tạo ra bột mịn, làm cho thức ăn có độ mịn cao hơn so với các dạng thức ăn bột và thức ăn ép viên. Gà khi ăn thức ăn có độ mịn cao sẽ tiêu hoá kém hơn so với các dạng thức ăn khác.

Việc tạo ra sản phẩm thức ăn cuối cùng có khả năng tiêu hóa cao khi xây dựng công thức thức ăn chăn nuôi là mục tiêu thiết yếu. Tuy nhiên, có một số điều cần cân nhắc khi xây dựng công thức vì có thể có tác động tiêu cực đến khả năng tiêu hóa. Độ pH trong dạ dày tuyến thấp sẽ thúc đẩy quá trình tiêu hóa. Tuy nhiên, canxi và cacbonat có khả năng đệm cao làm cho việc giảm nồng độ pH trong dạ dày tuyến trở nên khó khăn hơn. Nước cũng có thể là một chất đệm tuyệt vời, đặc biệt với lượng nước cao hơn. Việc giảm mức pH của nước là một giải pháp khả thi, vì không phải lúc nào cũng có thể thực hiện việc giảm mức pH trong dạ dày tuyến bằng công thức thức ăn chăn nuôi. Giảm mức pH của nước mang lại tác dụng kép là giúp hỗ trợ tiêu hóa cũng như thúc đẩy vệ sinh nước. 
 

KẾT LUẬN


 Nước là một chất dinh dưỡng thiết yếu được liên kết chặt chẽ với thức ăn. Nước được liên kết trong thức ăn và nước chuyển hóa từ quá trình oxy hóa chất dinh dưỡng là các dạng nước cần thiết để hỗ trợ cân bằng nước ở gia cầm. Có một số chiến lược có thể sử dụng để đảm bảo sự cân bằng hợp lý giữa chất dinh dưỡng và lượng nước uống vào, nhưng không phải lúc nào các chiến lược này cũng mang lại hiệu quả rõ ràng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh nồng độ protein và cân bằng điện giải chính xác trong thức ăn là điều cần thiết để ngăn chặn việc tiêu thụ quá nhiều nước dẫn đến các vấn đề gây ẩm ướt chất độn chuồng.


Nguồn: thepoultrysite.com
Biên dịch: Acare VN Team

Lượt xem 63

2016 – 2024 ACARE VIETNAM ALL RIGHTS REVERSED