OLIGOSACCHARIDES TRONG ĐẬU NÀNH VỚI DINH DƯỠNG ĐỘNG VẬT NON



Tác giả:
Efstratia Papanikou


Tìm hiểu về 3 loại oligosaccharides chính trong đậu nành

Đậu nành là nguồn protein được sử dụng rộng rãi nhất trong thức ăn chăn nuôi, chúng chứa khoảng 35-40% carbohydrate. Các carbohydrate này được phân thành hai loại chính: cấu trúc (thành phần sợi) và phi cấu trúc (dự trữ). Oligosaccharides là các carbohydrate phi cấu trúc, cùng với sucrose và các loại đường tự do khác, nó chiếm khoảng 15% tổng hàm lượng carbohydrate – hoặc chiếm hàm lượng khoảng 5-6% trong hạt đậu nành. Các oligosaccharides này từ lâu đã được xem như các yếu tố kháng dưỡng, cũng như các chất ức chế trypsin, lectin và glycinin trong đậu nành.

Thuật ngữ oligosaccharides xuất phát từ hai từ: “oligo” - có nghĩa là một số, và “saccharides” - có nghĩa là đường (trong tiếng Hy Lạp). Về bản chất, thuật ngữ này mô tả các polymer mạch nhỏ có chứa đường; trái ngược với polysaccharides – là các polymer mạch lớn như trong tinh bột và cellulose.

Đậu nành có chứa họ raffinose của oligosaccharides (RFO), chúng có chứa ba loại oligosaccharides chính: raffinose, stachyose và verbascose. Đặc điểm chung của cả ba là đều chứa đơn vị đường galactose trong cấu trúc căn bản của chúng. Cụ thể hơn, cấu trúc của raffinose có chứa một đơn vị glucose, một đơn vị fructose và chỉ một đơn vị galactose. Cấu trúc của stachyose cũng giống với raffinose, nhưng nó có chứa thêm một đơn vị galactose. Tương tự vậy, cấu trúc của verbascose giống với raffinose nhưng nó có chứa thêm đến hai đơn vị galactose.

Stachyose là thành viên chính thuộc họ RFO trong đậu nành. Trong khô dầu đậu nành, hàm lượng của hợp chất oligosaccharides thường tăng lên khi đậu nành được loại bỏ dầu. Do đó, hàm lượng của chúng có thể nằm trong khoảng từ 7% đến hơn 11%, trong đó, stachyose chiếm khoảng 5% đến 7%, raffinose chỉ chiếm 1% đến 4%, nhưng verbascose chỉ chiếm hàm lượng rất nhỏ. Tất nhiên, những con số này sẽ thay đổi tuỳ theo giống gen đậu nành.

Các oligosaccharides đều đóng một vai trò nhất định trong đậu nành. Hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng chúng đóng vai trò giúp bảo vệ đậu nành chống lại các áp lực môi trường như hạn hán, và giúp cho đậu nành có khả năng chịu được điều kiện lạnh. Tuy vai trò này có vẻ như không quan trọng lắm, nhưng các giống đậu nành đã được điều chỉnh gen để phù hợp với khí hậu khô và lạnh có thể có hàm lượng RFO cao hơn, và hàm lượng này cần được giám sát thêm trong thực tế.

Có một loại enzyme có thể phá vỡ được các liên kết hóa học trong RFO, được gọi là alpha-galactosidase.

Con người và động vật dạ dày đơn không tự tạo ra được loại enzyme này để tiêu hóa các oligosaccharides; trái lại, một số vi khuẩn được tìm thấy trong đường tiêu hóa có khả năng tiêu hóa các oligosaccharides và sau đó lên men các RFO. Tuy nhiên, quá trình lên men này có thể sẽ sản sinh ra các loại khí như CO2 và metan. Ngoài ra, đã có giả thuyết cho rằng RFO là một trong những nguyên nhân góp phần gây nên bệnh tiêu chảy ở động vật non nếu chúng tiêu thụ RFO ở hàm lượng đủ cao.Vì vậy, từ lâu RFO đã được xem là các yếu tố kháng dưỡng.

Trong một nghiên cứu gần đây của tác giả Alfred Blanch, ông đã báo cáo rằng RFO có thể đóng một vai trò tích cực trong dinh dưỡng động vật non nếu được sử dụng đúng liều lượng. Ví dụ, một thử nghiệm trên gà thịt đã cho thấy mối tương quan trực tiếp giữa lượng stachyose và raffinose (RFO) trong khẩu phần ăn và tỷ lệ chuyển đổi thức ăn (FCR) – lượng RFO trong khẩu phần càng cao thì tỷ lệ FCR càng cao (càng tệ). Tuy nhiên, thử nghiệm trên cũng đã chỉ ra rằng khối lượng sống của gà thịt đã được cải thiện khi sử dụng lượng RFO tương đối thấp trong khẩu phần ăn của chúng. 

Đã có giả thuyết đưa ra rằng, việc sử dụng một lượng RFO nhất định có thể có tác dụng tích cực trong ruột của động vật non – nó có thể đóng vai trò như một prebiotic. Điều này tương đồng với các kết quả thử nghiệm khác, từ đó khuyến khích việc sử dụng các chuỗi nhỏ đường saccharide không tiêu hóa được làm prebiotic ở động vật non.


Nguồn: feedstrategy.com
Biên dịch: Acare VN Team

kỹ thuật khác