SỨC KHỎE ĐƯỜNG RUỘT VÀ SẮC TỐ DA CỦA GÀ THỊT


Tác giả: Luis Pantoja et al.

(Acare VN) Ở một số quốc gia, đặc biệt là Mexico và ở các quốc gia khác như Trung Quốc, Philippines, Peru, và một số vùng của Tây Ban Nha, v.v., màu da của gà thịt là một yếu tố quan trọng đối với người tiêu dùng khi họ muốn chọn mua một con vật, sở dĩ yếu tố này được coi trọng là vì các sắc tố vàng và/hoặc vàng óng ở da gà có mối tương quan trực tiếp với những con gà có chất lượng tốt, tươi và khỏe mạnh. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phân tích các yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến sắc tố ở gà.

Chi phí nguyên liệu thô để đạt được sắc tố này là một khoản đáng kể (nó chiếm từ 8 đến 10% tổng chi phí thức ăn), chi phí này sẽ thay đổi tùy theo chất lượng tông màu mà mục tiêu hướng tới (các tông màu sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào phong tục của từng quốc gia). Nếu không đạt được các giá trị sắc tố như đã đề ra và/hoặc thiếu tính đồng nhất, thì hậu quả mang lại thường là những tổn thất tài chính về giá thịt trên mỗi ki-lô-gram khi đưa ra thị trường.

Gà có được màu da này là do sự kết hợp của chất xanthophyll để tạo ra sắc tố vàng (lutein, zeaxanthin và cryptoxanthin) và, ở một số quốc gia có sử dụng các chất capsanthin và/hoặc canthaxanthin để tạo ra sắc tố đỏ, sự kết hợp các sắc tố này lại với nhau có thể tạo ra màu vàng với vẻ ngoài trông thật tự nhiên. Sắc tố là một quá trình tăng dần, với chu kỳ tạo màu kéo dài khoảng 2-3 tuần. Các chất tạo màu này có thể có nguồn gốc tự nhiên, như có trong ngô, bột gluten ngô, cỏ linh lăng, calendula, v.v, hoặc cũng có thể sử dụng các chất tạo màu tổng hợp để giúp tạo màu nhanh hơn mặc dù giá thành cao hơn. Hỗn hợp các thành phần tạo màu có thể khác nhau tuỳ thuộc vào thị trường mà gia cầm nhắm tới, cũng như tính khả dụng và giá cả của chúng.

Chất tạo màu (các sắc tố) sẽ được hấp thụ qua lông mao của biểu mô của ruột giữa, và, để điều này được diễn ra đúng cách thì quá trình thủy phân enzyme của chất xanthophyll có trong khẩu phần ở dạng este axit béo phải xảy ra. Tất nhiên, quá trình này đòi hỏi sức khỏe niêm mạc ruột phải ở tình trạng rất tốt, không bị các bệnh như viêm ruột do vi khuẩn hoặc không bị tổn thương bởi bệnh cầu trùng gia cầm.


Sự hấp thụ sắc tố có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, bao gồm cả bệnh cầu trùng gia cầm

Có nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắc tố như: các chương trình cho ăn, hệ thống lắp đặt (các hệ thống brown-out cho thấy mức độ sắc tố thấp hơn), dòng gen (một số dòng bị hạn chế hoặc không có khả năng đạt được mức độ bão hòa của sắc tố), giới tính (con cái hấp thụ sắc tố tốt hơn con đực), và khi con vật bị nhiễm bệnh. Ngoài ra, còn có các yếu tố khác liên quan đến khẩu phần có chứa các chất tạo màu có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ sắc tố như: nồng độ, loại, và sự kết hợp với chất xanthophyll; sự tương tác của xanthophyll với các thành phần khác, đặc biệt là với các chất béo; các yếu tố độc hại như độc tố nấm mốc, v.v. Các yếu tố trên không những làm giảm lượng tiêu thụ thức ăn (và từ đó cũng làm con vật hấp thụ xanthophyll kém hơn), mà còn có thể gây ra các tổn thương trong đường ruột (như gây ra bệnh cầu trùng, viêm ruột do vi khuẩn, v.v.), vì sự hấp thụ xanthophyll có liên quan trực tiếp đến tính toàn vẹn và sức khoẻ của đường ruột (Theo Ortega và cộng sự, 2012).

Cụ thể hơn về bệnh cầu trùng ở gia cầm


Như chúng tôi đã đề cập, bệnh cầu trùng ở gia cầm là một trong những yếu tố quan trọng nhất có thể ảnh hưởng đến sắc tố, vì như chúng tôi đã quan sát thấy, nồng độ lutein trong huyết thanh của con vật bị giảm tới 90% sau nhiễm bệnh. Và cụ thể hơn, các chủng có liên quan đến bệnh cầu trùng là Eimeria acervulina, E. praecox, E. mitisE. maxima, vì chúng gây bong vảy, rút ngắn nhung mao của niêm mạc ruột, và ký sinh ở những vị trí hấp thụ sắc tố nhiều nhất trong ruột của gia cầm. Hơn nữa, chủng Eimeria maxima là nguyên nhân chủ chốt gây nên một bệnh nguy hiểm khác có thể ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của ruột và sự hấp thu sắc tố, bệnh viêm ruột hoại tử do vi khuẩn Clostridium perfringens gây ra (Theo Williams, 2005).

Đây là lý do tại sao việc đạt được mức độ bảo vệ tốt là điều quan trọng nếu chúng ta muốn tránh các tổn thương và hậu quả của bệnh cầu trùng ở gà, và đạt được các thông số mong muốn về sắc tố. Phương pháp được sử dụng rộng rãi nhất để kiểm soát chủng Eimeria spp. là sử dụng các loại thuốc kháng cầu trùng (coccidiostat) trong thức ăn. Tuy nhiên, việc bổ sung các loại thuốc này ngày càng bị hạn chế trên khắp thế giới vì các lý do phi y tế hóa, và hơn nữa, với việc sử dụng thuốc liên tục và kéo dài trong nhiều năm với một số lượng hạn chế các thành phần kháng cầu trùng hoạt tính, thì sự xuất hiện của các chủng ký sinh trùng có khả năng kháng lại thuốc ngày càng nhiều; điều này có nghĩa là, ngày càng có nhiều bệnh cầu trùng bởi các chủng khác xuất hiện ở gia cầm được điều trị bằng thuốc kháng cầu trùng, gây nên các biểu hiện như thiếu hụt sắc tố, hậu quả của bệnh cầu trùng cận lâm sàng và tình trạng sức khỏe đường ruột của con vật sẽ bị suy giảm sau đó.


Nguồn: thepoultrysite.com
Biên dịch: Acare VN Team

kỹ thuật khác