Tìm hiểu về pH dạ dày ở heo
pH dạ dày
pH dạ dày ở động vật dạ dày đơn trưởng thành được kiểm soát bởi sự tiết HCl (axit hydrochloric) từ niêm mạc dạ dày (Kidder và Manners, 1978). HCl là chất cần thiết để kích hoạt tiêu hóa đạm bằng cách hoạt hóa pepsinogen thành pepsin, đây chính là loại protease chính của hệ tiêu hóa. Động vật trưởng thành có độ pH dạ dày tương đối thấp (2-3), ở độ pH này mầm bệnh từ thức ăn và nước uống đi vào hệ tiêu hóa gần như bị tiêu diệt hoàn toàn (Clemens và cộng sự, 1975).
Heo sơ sinh có độ pH dạ dày khá cao (5-6), do khả năng tạo ra hệ đệm mạnh của sữa non (Smith và Jones, 1963). Sự hỗ trợ này cho phép vi khuẩn từ môi trường bên ngoài đi vào dạ dày đến ruột non và ruột già để thiết lập một hệ vi sinh bình thường trong đường tiêu hóa. Thông thường, những vi khuẩn chiếm ưu thế trong dạ dày thường là vi khuẩn Lactobatẻia và Bifidobacteria, do đó đường ruột chứa một hỗn hợp các vi khuẩn (Smith và Jones, 1963). Một vài giờ sau khi heo con bú mẹ, độ pH sẽ giảm xuống 3.5 – 5 và độ pH này sẽ duy trì đến bốn tuần đầu sau khi cai sữa (Cranwell và cộng sự, 1976). Sau đó, độ pH sẽ dần dần giảm xuống đến độ pH của heo trưởng thành (2-3) kể cả khi chúng ta không cho động vật ăn thức ăn dạng rắn (Schiketanz và Richter, 1967; được trích dẫn bởi Kidder và Manners, 1978).
Độ pH từ 3.5 – 5 trong dạ dày heo con bú mẹ tạo điều kiện cho sự hoạt hóa của chymosin (rennin), đây là enzyme có vai trò làm đông sữa trong dạ dày (Shen và Liechty, 2003). Nếu không có hoạt động của chymosin thì sữa sẽ đi xuống rất nhanh và hầu như không tiêu hóa vào ruột non. Mặc dù pepsin có khả năng làm đông sữa nhưng hiệu quả thấp hơn chymosin, enzyme này yếu hơn khi phân giải đạm và không tiêu hóa Ig sữa (Kidder và Manners, 1978). Độ pH thấp 3.5 – 5 cũng giúp hỗ trợ sự sản sinh của Lactobactẻia và loại trừ các vi sinh vật gây bệnh khác (Cranwell và cộng sự, 1968). Một quần thể Lactobacteria khỏe mạnh sẽ tạo ra một lượng axit lactic dồi dào giúp ổn định pH dạ dày và giảm thiểu sự tiết HCl. Do đó, khả năng tiết HCl ở những con heo bú mẹ khá hạn chế và sữa mẹ cũng không kích thích mạnh sự tiết HCl trong dạ dày heo con (Cranwell và cộng sự, 1976).
Khi cai sữa, pH dạ dày (3-4) được duy trì cao hơn mức cần thiết để tiêu hóa đạm từ thực vật hoặc động vật (nguồn đạm khác ngoài sữa), bởi vì hoạt động của pepsin mạnh nhất ở độ pH 2 và 3.5 (Kidder và Manners, 1978). Một vài loại đạm chỉ tiêu hóa được ở độ pH tối ưu thấp hơn, trong khi đó đạm trở nên khó tiêu khi độ pH lớn hơn 4. Cho heo con ăn các sản phẩm từ sữa trong khẩu phần sau cai sữa đã cho thấy có sự giảm pH trong dạ dày ở heo cai sữa so với những con heo con bú mẹ cùng lứa (Polivoda và cộng sự, 1973). Hàm lượng đạm trong khẩu phần cũng ảnh hưởng đến độ pH dạ dày, khẩu phần đạm thấp làm pH dạ dày thấp vì khả năng đệm của thức ăn thấp (Manners, 1970).
Lượng đạm không tiêu hóa ở heo con không chỉ làm giảm hiệu quả sử dụng thức ăn mà còn làm gia tăng sự phát triển hệ vi sinh nhờ sự có mặt của đạm, đặc biệt là các vi khuẩn gây bệnh cơ hội như Escherichia coli (Smith và Jone, 1963). Trong trường hợp này, heo con sẽ bị tiêu chảy, thỉnh thoảng sẽ chết nếu không được chữa trị bằng các chất kháng khuẩn (kháng sinh, kẽm oxit, đồng sunfat, axit hữu cơ và tinh dầu) nhằm kiểm soát mầm bệnh.
Người ta đã đề xuất một vài cách để phòng ngừa đạm không tiêu hóa được trên những con heo mới cai sữa. Đầu tiên, người ta khuyến nghị là cho heo con ăn khẩu phần đạm thấp với nguồn đạm dễ tiêu trong vài ngày đầu sau cai sữa. Thứ hai, nếu việc cho heo con ăn tự do gây quá tải đối với hệ tiêu hóa còn non nớt do có chứa nhiều đạm, thì nê áp dụng chế độ cho ăn hạn chế trong một khoảng thời gian giới hạn (thường là từ 2 – 5 ngày sau cai sữa là đủ). Cuối cùng, bổ sung lactic (Geary và cộng sự, 1999) và các axit khác (Mroz, 2003; Koch, 2005) trong khẩu phần sau cai sữa, phương pháp này cho thấy đã cải thiện hiệu quả động vật, phần lớn là do đặc tính kháng khuẩn của axit và chúng cũng có ảnh hưởng nhỏ đến việc giảm pH của dạ dày.
Nguồn: Applied Nutrition for Young Pigs
Biên dịch: Acare VN Team