XU HƯỚNG VÀ DỮ LIỆU MỚI NHẤT VỀ SẢN PHẨM THỨC ĂN CHĂN NUÔI TẠI CHÂU Á


Triển vọng nông sản năm 2022 của công ty Alltech cho thấy sự thay đổi về sản lượng thức ăn năm 2021 ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và lựa chọn của người tiêu dùng. 


Đại dịch COVID-19 đã tác động đáng kể đến lĩnh vực nông sản, góp phần vào những thách thức trong chuỗi cung ứng giúp đẩy nhanh việc áp dụng công nghệ mới và các thực hành bền vững về môi trường. Khai thác dữ liệu từ hơn 140 quốc gia và hơn 28.000 nhà máy thức ăn chăn nuôi, cuộc khảo sát về sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng năm của công ty Alltech ấn bản lần thứ 11 ước tính rằng sản lượng thức ăn chăn nuôi trên toàn cầu năm 2021 tăng 2,3%, đạt 1,235 tỷ tấn.

Sản lượng thức ăn chăn nuôi ở Châu Á - Thái Bình Dương đã vượt quá mong đợi ở một số khu vực, đạt 458,211 triệu tấn hoặc tăng trưởng 5,7%, chủ yếu là do sự khôi phục sau các hạn chế từ COVID-19.

Các quốc gia có hoạt động hàng đầu khu vực châu Á - Thái Bình Dương 

Trung Quốc vẫn tiếp tục là quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất thế giới với 261,424 triệu tấn, đồng thời báo cáo mức tăng trưởng hàng năm lớn nhất là 8,9%. Khuynh hướng chính dẫn đến sự tăng trưởng này là tiếp tục củng cố và hiện đại hóa ngành thức ăn chăn nuôi của quốc gia.

Các trang trại lợn và nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi đã chuyển đổi từ việc tận dụng chất thải thực phẩm sang thực hiện ký kết với các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi chuyên nghiệp. Theo Cục Thống kê Quốc gia, vào cuối quý ba, đàn lợn của Trung Quốc đã tăng 18,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng thịt lợn hơi tăng 38% và số lợn nái đạt 44,59 triệu con, tức tăng 16,7%. Hiện tại, đàn lợn vẫn đang tiếp tục tăng.

Trên toàn cầu, lĩnh vực sản xuất thức ăn cho lợn đã quay trở lại một cách ấn tượng với sản lượng thức ăn tăng ở mức 6,6%, mức tăng này chủ yếu được thúc đẩy bởi sự khôi phục sau bệnh dịch tả lợn Châu Phi (ASF) tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia và Trung Quốc đã cho thấy được sự khôi phục sau bệnh dịch ASF, nhưng các nước như Indonesia, Myanmar, Philippin, Thái Lan và Việt Nam vẫn tiếp tục bị tác động bởi bệnh dịch này.

Sản lượng thức ăn cho bò sữa tăng nhẹ 1,9% trên toàn cầu và có mức tăng lớn nhất tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương với 8,6% lên đến 25,619 triệu tấn, chủ yếu tăng ở Ấn Độ khi nước này trải qua một đợt tăng giá sữa. Ấn Độ cũng có sự tăng trưởng đáng kể trong các hợp tác tiến hành mở rộng kinh doanh.

Đứng thứ tư trong số 10 quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu, Ấn Độ đã năng nổ khôi phục lại sau COVID-19, với mức tăng mạnh 12,2% lên đến 44,0594 triệu tấn do người dân được quay trở lại làm việc, mở rộng kinh doanh và mở cửa trở lại các nhà hàng và khu ăn uống.

Trung Quốc và Ấn Độ chiếm những mức tăng đáng kể nhất trong sản xuất thức ăn cho gà thịt tại Châu Á - Thái Bình Dương. Bị ảnh hưởng bởi đại dịch, người tiêu dùng Ấn Độ hiện ưa thích khẩu phần giàu protein để hỗ trợ khả năng miễn dịch của họ, thịt gà và trứng là những nguồn cung cấp protein chính cho họ. Trứng là một nguồn protein đặc biệt phổ biến vì chúng có giá cả phải chăng. Ấn Độ cũng cho thấy sự gia tăng đáng kể lên đến 9% về sản lượng thức ăn thủy sản. Một nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu đã gia tăng sản xuất thức ăn cho tôm, việc này đã góp phần vào việc mở rộng diện tích nuôi tôm. Ngoài ra, Indonesia chiếm 10% tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Nhật Bản đứng thứ 9 trong 10 quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu, mặc dù sản lượng thức ăn của nước họ giảm nhẹ 0,1%, từ 24,821 triệu tấn vào năm 2020 xuống 24,797 triệu tấn vào năm 2021. Nhật Bản vẫn đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân công do đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng đến ngành dịch vụ thực phẩm, và giờ làm việc chỉ mới được kéo dài gần đây. Ngành nuôi trồng thủy sản đang trên đà tăng giá do lượng hàng thì ít ỏi trong thời kỳ đại dịch nhưng lượng tiêu thụ lại tăng dần.

Ngành sản xuất thức ăn cho thú cưng trên toàn cầu có mức tăng trưởng lớn nhất ở mức 8,2% so với ngành sản xuất thức ăn của tất cả các loài, và ngành này đã dẫn đầu các khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về mức tăng trưởng, với mức tăng 17,9%. Phần lớn mức tăng đáng kể này là do sự gia tăng sở hữu vật nuôi trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Những thách thức về sản xuất

Trong cuộc khảo sát, các vấn đề về chuỗi cung ứng và giá cả tăng cao được coi là những vấn đề lớn nhất, với 33% các quốc gia ở Châu Á - Thái Bình Dương cho rằng giá nguyên liệu thô tăng cao là thách thức lớn nhất mà nông nghiệp phải đối mặt.

Top 10 quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu, năm 2021

Top 10 quốc gia
sản xuất thức ăn chăn nuôi
hàng đầu

vào năm 2021

Tổng sản lượng

thức ăn chăn nuôi năm 2021

(triệu tấn)

Tổng sản lượng

thức ăn chăn nuôi năm 2020

(triệu tấn)

Biến động
về sản lượng
năm 2021 
so với năm 2020

% Biến động

Trung Quốc

261.424

239.980

21.444

8.9%

Hoa Kỳ

231.538

226.753

4.785

2.1%

Brazil

80.094

78.413

1.681

2.1%

Ấn Độ

44.059

39.256

4.803

12.2%

Mexico

38.857

37.925

0.932

2.5%

Tây Ban Nha

35.580

34.841

0.739

2.1%

Nga

33.000

32.531

0.469

1.4%

Thổ Nhĩ Kỳ

25.300

26.300

(1.000)

-3.8%

Nhật Bản

24.797

24.821

(0.024)

-0.1%

Đức

24.506

24.930

(0.424)

-1.7%

Tổng cộng

799.16

765.75

33.405

4.4%

Tổng sản lượng của các quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu vào năm 2021 là 799,16 triệu tấn.
- Ba trong số 10 quốc gia sản xuất thức ăn chăn nuôi hàng đầu đều thuộc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. 
(Nguồn: Công ty Alltech) 


Tại Ấn Độ, trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 năm 2021, tỷ lệ khô dầu đậu nành đã tăng 60%, đây là mức tăng cao nhất trong lịch sử. Theo đề nghị của các bên liên quan trong ngành, lần đầu tiên chính quyền trung ương cho phép nhập khẩu 1,2 triệu tấn khô dầu đậu nành biến đổi gen sang Ấn Độ.

Trong khi đó, tại Bangladesh, do việc sản xuất ngũ cốc và chuỗi cung ứng bị gián đoạn bởi COVID-19 và Trung Quốc nhập khẩu một lượng ngũ cốc đáng kể từ Mỹ, điều này sau cùng gây ra sự khan hiếm ngũ cốc Mỹ tại Bangladesh. Ngoài ra, do không có sẵn các tàu và container nên các nhà xuất khẩu không thể giao nguyên liệu thô đúng hạn. Điều này dẫn đến nguồn cung nguyên liệu thô giảm và giá tăng, dẫn đến giảm đáng kể thu nhập và lợi nhuận cho các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi và các nhà chăn nuôi, từ đó góp phần vào sự suy giảm sản lượng thức ăn chăn nuôi.

Khi nhiều quốc gia phải đối mặt với chi phí nguyên liệu thô ngày càng tăng cao, thì những cải thiện về hiệu quả sử dụng thức ăn và những cải tiến về nguyên liệu thô thay thế được các quốc gia đó săn đón nhằm giúp giảm chi phí. Tự động hoá và hội nhập đã được thực hiện nhiều hơn trong ngành nông nghiệp - thực phẩm ở khắp khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Các trang trại siêu lớn đang nổi lên và tình trạng thiếu hụt nhân công vẫn là một thách thức, vì vậy, tự động hóa đang được áp dụng nhiều hơn trong nông nghiệp để cung cấp sự quản lý theo hướng dữ liệu thực tế hơn.

Ví dụ, các công ty chăn nuôi lợn của Trung Quốc đang xây dựng quy mô lớn hơn và nhanh hơn, sử dụng ít người hơn và dùng công nghệ nhiều hơn, chẳng hạn như hệ thống cho ăn thông minh, rô-bốt dọn phân và camera hồng ngoại phát hiện khi lợn bị sốt. Với nhà máy chăn nuôi lợn như thế này, các công ty cho biết họ có thể tăng năng suất trong khi ngăn chặn dịch bệnh để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thịt lợn khổng lồ của cả nước.

Khuynh hướng tiêu dùng

Ở các nước Châu Á - Thái Bình Dương, nhiều người tiêu dùng nhận ra tầm quan trọng về tính an toàn và truy xuất nguồn gốc của thực phẩm. Họ ưa thích các loại thực phẩm chức năng và các loại thực phẩm giàu protein với chất lượng cao, tốt cho sức khỏe và khả năng miễn dịch.

Top 5 quốc gia sản xuất thức ăn hàng đầu Châu Á năm 2021

Top 5 quốc gia
hàng đầu Châu Á năm 2021

Tổng sản lượng thức ăn

năm 2021

(triệu tấn)

Tổng sản lượng thức ăn

năm 2020

(triệu tấn)

Tăng trưởng

năm 2021 so với năm 2020

% Tăng trưởng

Trung Quốc

261.424

239.98

21.444

8.9%

Ấn Độ

44.059

39.256

4.803

12.2%

Nhật Bản

24.797

24.821

-0.024

-0.1%

Thái Lan

21.591

21.277

0.314

1.5%

Việt Nam

20.920

17.314

3.606

20.8%

 - Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng 5,7% vào năm 2021, đạt sản lượng 458,211 triệu tấn.
(Nguồn: Công ty Alltech)

Ở Thái Lan, thực phẩm chức năng và thực phẩm cá nhân hóa được thiết kế cho những người có độ tuổi, lối sống và các vấn đề sức khỏe khác nhau, đây dường như là một xu hướng quan trọng trong việc cung cấp các lựa chọn lành mạnh và bền vững hơn cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước những thách thức trong nền kinh tế và đại dịch, vẫn còn rất nhiều người dân ở Thái Lan phải vật lộn để mua được thực phẩm lành mạnh được sản xuất và có nguồn gốc bền vững.

Thịt gà và trứng vẫn là những nguồn protein được ưa chuộng, phần lớn do chúng có giá rẻ và lượng protein cao. 

Sở thích của người tiêu dùng Trung Quốc đã thay đổi, đặc biệt là ở thế hệ trẻ, những người đã được đặt vị trí để đáp ứng tốt với các sản phẩm protein thay thế mới. Các chỉ số đo lường quan trọng cho những sản phẩm protein thay thế thành công đó là chất lượng, hương vị và thành phần dinh dưỡng cũng như giá cả. Các nhà nghiên cứu nói rằng dân số 700 triệu người dưới 40 tuổi của Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy nhu cầu về protein thay thế. Mặc dù vẫn còn trong giai đoạn đầu nhưng thị trường protein thay thế của Trung Quốc đã phát triển trong những năm gần đây. Cho đến nay, phần lớn trong số đó được thúc đẩy bởi các công ty nước ngoài, chẳng hạn như Beyond Meat and Oatly, nhưng có thể sớm thay đổi khi có sự xuất hiện của các công nghệ thực phẩm trong nước.

Mua sắm hàng hoá trực tuyến

Những hạn chế xã hội trong đại dịch COVID-19 đã thay đổi lối sống của nhiều người và ngày càng nhiều người tiêu dùng chuyển sang mua sắm hàng hóa trực tuyến. 

Tỷ lệ hàng thương mại điện tử, thực phẩm tươi và hàng tiêu dùng nhanh đang gia tăng do thời hạn sử dụng của thực phẩm tươi sống ngắn. Sự tiện lợi và chất lượng đang thúc đẩy những người tiêu dùng trẻ tuổi am hiểu kỹ thuật số mua hàng trực tuyến. Khi mọi người ở nhà trong khoảng thời gian dài do đại dịch, họ sẽ chọn mua nhu yếu phẩm trực tuyến, dự trữ thực phẩm đông lạnh và những mặt hàng thực phẩm tiện lợi có thời hạn sử dụng lâu hơn.

Những lựa chọn về thực phẩm tươi sống trên trang thương mại điện tử cũng trở nên phổ biến hơn vì mọi người không thể đi chợ để mua thực phẩm tươi sống, chẳng hạn như rau, trái cây và thịt. Ví dụ, trong Lễ hội mùa xuân ở Trung Quốc, đơn đặt hàng trực tuyến hàng ngày đối với mặt hàng rau và trái cây đã tăng hơn 200% tại SuFresh - một trang thương mại điện tử mới bán lẻ thực phẩm tươi sống do Suning sở hữu - và Thị trường thực phẩm Suning cho thấy những đơn đặt hàng trực tuyến tăng 245%. Tại Indonesia, lượng tiêu thụ các loại thực phẩm ăn liền, đông lạnh và thực phẩm sống cũng tăng do các hạn chế và / hoặc phong toả do COVID-19, đồng thời việc sử dụng trang thương mại điện tử cũng đã tăng lên khi nhiều người mua những thực phẩm đó bằng hình thức trực tuyến. Tại Malaysia, người tiêu dùng có xu hướng nấu ăn tại nhà hoặc đặt thức ăn giao tận nơi, và việc mua thực phẩm trực tuyến cũng tăng mạnh trong thời kỳ đại dịch. Đã có một số thay đổi trong chuỗi cung ứng ngành tại Myanmar kể từ khi đại dịch xảy ra và người dân bắt đầu mua thực phẩm trực tuyến thay vì mua ở chợ hoặc siêu thị để giảm tiếp xúc cơ thể nhiều nhất có thể.

Mối quan tâm về môi trường và tính bền vững 

Trong năm qua đã có sự tập trung cao độ về môi trường, vì các chính phủ trên toàn thế giới đã thực hiện đổi mới các cam kết để giảm tác động đến môi trường và tập trung vào những thực hành bền vững. Tại một số nước châu Á - Thái Bình Dương, chính phủ các nước đã thực hiện các quy định về phát triển bền vững nhằm giảm lượng khí thải ra môi trường, bao gồm cả các-bon và các kim loại nặng.

Trung Quốc đã đặt mục tiêu chạm mức khí thải carbon đỉnh điểm cao nhất trước năm 2030 và sẽ trở thành mức carbon-trung tính (vẫn phát thải một lượng CO2 nhất định và khử được một lượng tương đương trong khí quyển) trước năm 2060. Những hành động quyết liệt trên toàn quốc đã được thực hiện nhằm giúp đạt được các mục tiêu này. Ví dụ, trong lĩnh vực nông nghiệp, chính phủ đang tập trung vào việc xây dựng hệ thống giám sát khí thải carbon nông nghiệp, phát triển một “nền tảng dữ liệu lớn” để thiết lập sự hợp tác đổi mới cho các bên liên quan khác và tập trung vào kiểm soát nguồn nước, nâng cao hiệu quả, tái chế rơm rạ, tận dụng tài nguyên từ phân gia súc, ngăn ngừa và kiểm soát ô nhiễm màng nông nghiệp.

Các nhà bán lẻ đang hợp tác với các công ty vận tải để làm cho chuỗi cung ứng ở Trung Quốc trở nên xanh hơn khi họ chuyển đổi hoạt động từ dây chuyền sản xuất và kho bãi sang phân phối và tái chế, tập trung vào việc tái sử dụng bao bì. Một số nhà bán lẻ đang cố gắng tăng cường vai trò của họ trong chăn nuôi bò sữa để có nguồn sữa bền vững hơn, nhưng việc đó vẫn còn trong giai đoạn đầu vì họ vẫn ưu tiên hàng đầu về việc tăng sản lượng sữa. 

Tại Hàn Quốc, việc kiểm soát phân bón vẫn sẽ tiếp tục được ưu tiên hàng đầu tại các trang trại chăn nuôi. Trong tương lai, các chứng chỉ về tính bền vững, chẳng hạn như chứng chỉ ghi nhận giảm thiểu carbon, thân thiện với môi trường và chia sẻ hồ sơ thông qua thiết bị di động, sẽ là tiêu chuẩn quan trọng nhất đối với người tiêu dùng. Tại Nhật Bản, các nhà sản xuất thức ăn quan tâm nhiều hơn đến giải pháp dinh dưỡng thân thiện với môi trường trong chăn nuôi và các nhà bán lẻ cũng đang bán khái niệm đó cho người tiêu dùng thông qua các sản phẩm.

Nhiều ngành tiếp tục tập trung vào hợp tác và đổi mới, điều này được chứng minh là cần thiết để duy trì hoạt động kinh doanh trong suốt năm qua. Có nhiều lý do để nhìn một cách lạc quan về tương lai của ngành nông nghiệp và đây là bằng chứng tích cực về một ngành đang đi đúng hướng với khả năng phục hồi của ngành nông sản trước những thách thức của COVID-19, cũng như dịch bệnh và gián đoạn chuỗi cung ứng, cùng với sự tăng trưởng liên tục, hiện đại hóa và tăng tính bền vững trong những thách thức.

Nguồn: feedstrategy.com
Biên dịch: Acare VN Team








 



kỹ thuật khác